Một bằng chưa đủ khi đi xin việc, đó là
sai lầm lớn của nhiều sinh viên mới ra trường. Tiến sĩ Lê Quân, chuyên
gia Công ty cổ phần giáo dục Việt Nam cho rằng, mọi bằng cấp không bằng
cái "bằng lòng" của nhà tuyển dụng. Tiến sĩ Lê Quân, giảng viên ĐH Thương mại, người đi tuyển dụng hàng
trăm ứng viên xuất sắc cho nhiều Ngân hàng lớn nhấn mạnh, các bạn trẻ
mới ra trường có rất nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, có nhiều bằng chưa chắc
các nhà tuyển dụng đã đánh giá cao.
Vị giảng viên ĐH này chỉ ra một loạt những điểm yếu của sinh viên mới ra trường khi đi xin việc:
- Bài thi IQ và Gmat của sinh viên thi vào các doanh
nghiệp hiện nay trượt rất nhiều. Đây là những bài thi cần phải luyện
nhiều. Nếu không hình dung ra bài thi như thế nào thì chắc chắn sẽ
trượt. Tốt nhất, các ứng viên mua sách, tìm tài liệu trên mạng để tư duy
và luyện hằng ngày.
- Khi gửi hồ sơ xin việc lần thứ hai vào bất kỳ cơ
quan, công ty nào vẫn chưa thấy nhà tuyển dụng gọi, các ứng viên nên xem
lại bản thân. Phải chăng bạn đăng ký vào vị trí cao quá so với họ đề
ra. Tốt nhất, đăng ký vào những công việc thấp hơn một chút so với yêu
cầu để tích lũy và học hỏi.
- Một trong những điểm yếu của sinh viên mới ra trường
hiện nay đó là mức độ cam kết. Nhiều doanh nghiệp đặt ra câu hỏi dự
định trong 3 năm tới của em là gì? Có khá nhiều câu trả lời: em sẽ đi
học tiếp, nếu có điều kiện em sẽ ra nước ngoài học nâng cao trình độ...
Tuy nhiên, tất cả câu trả lời này đều không được đánh giá cao.
- Khi đi phỏng vấn, các ứng viên ăn mặc, trang điểm
rất chu đáo, nhưng họ không đọc kỹ thông tin, tìm hiểu những hoạt động
mà doanh nghiệp họ đến dự tuyển. Nhiều ứng viên hăm hở đi phỏng vấn mà
không hề biết Tổng giám đốc, công ty mình làm việc trong tương lai đang
kinh doanh những mặt hàng gì... Phạm sai lầm này, nhà tuyển dụng sẽ đánh
giá động cơ làm việc của bạn còn yếu.
- Một trong những lưu ý khi được gọi phỏng vấn các ứng
viên phải chú ý đến ánh mắt. Ánh mắt thể hiện sự tự tin của mình. Các
công ty nước ngoài để ý rất nhiều đến chi tiết này (đặc biệt là các ứng
viên nam).
Tiến sĩ Lê Quân cho biết, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng muốn nắm bắt 4 điều quan trọng (24 câu hỏi) từ phía ứng viên:
Bạn là ai?
1. Đâu là điểm mạnh, điểm yếu của bạn?
2. Bạn thích điều gì nhất và ghét điều gì nhất trong quá trình học tập của bạn?
3. Bạn có thể nói 2 điều mà bạn tâm đắc nhất trong những việc mà bạn đã làm?
4. Có thất bại hay thành công nào khiến bạn nhớ nhất?
5. Bạn sẽ nói gì nếu tôi nói rằng sự thể hiện của bạn trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay của bạn không tốt?
6. Bạn có hay bị căng thẳng trong học tập và trong công việc không? Bạn làm thế nào để không bị rơi vào trạng thái stress?
7. Bạn có phải là người có thiên hướng lãnh đạo khi làm việc nhóm?
8. Bạn có thể nói cho chúng tôi những dự định của bạn trong 5 hay 10 năm tới?
Bạn có đủ khả năng cho vị trí này không?
9. Bạn có chắn rằng bạn có đủ khả năng cho vị trí chúng tôi cần tuyển không?
10. Nếu là tôi, bạn có một tuyển một ứng viên như bạn không? Tại sao?
11. Bạn cần bao nhiêu thời gian để thích nghi với công việc này?
12. Yếu tố nào của công việc này khiến bạn chú ý đến nhiều nhất (Mức lương, môi trường, việc làm, cơ hội thăng tiến...)?
13. Bạn hiểu biết gì về vị trí mà bạn xin vào làm việc?
14. Bạn làm thế nào để tự hoàn thiện bản thân mình?
Bạn có dễ dàng hòa nhập với công ty, tổ chức của chúng tôi?
15. Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
16. Bạn đã từng làm việc với những người mà bạn cho rằng là người khó tính nhất chưa?
17. Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu không ai chú ý đến ý kiến của bạn đưa ra?
18. Bạn có thể để xuất một điều mà bạn cho rằng chúng tôi nên sửa đổi?
19. Khi nhận được những nhận xét, phê bình mà bạn cho là không đúng, bạn sẽ làm gì?
20. Mẫu người nào bạn không chịu đựng được họ?
21. Theo bạn, đâu là điều quan trọng nhất để phát triển mối quan hệ với các đồng nghiệp?
Mức lương chúng tôi sẽ trả cho bạn?
22. Bạn muốn ký hợp đồng dài hạn hay ngắn hạn?
23. Theo bạn, mức lương bao nhiêu là phù hợp với bạn?
24. Bạn có sẵn sàng hạ mức lương mong muốn của bạn nếu chúng tôi chưa muốn trả cho bạn mức lương đó?
Nguồn: Bài viết "Những sai lầm khi đi xin việc" của tác giả Hà Anh trên vnexpress
0 comments:
Post a Comment